Hôm nay: Fri Apr 26, 2024 11:52 pm

Tìm thấy 1 mục

Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]

Xử lý thông tin

#15 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

By Kal Kally

~*~

Đôi lúc có những thông tin cần phải đưa đến cho người đọc. Và đôi lúc bạn sẽ thấy những nhân vật xuất hiện chỉ để nhằm thông báo các thông tin đó đến cho người đọc hoặc các nhân vật chính. Đôi lúc bạn sẽ thấy những đoại hội thoại, hoặc đoạn văn dài chỉ nhằm đưa đến hoặc diễn giải một thông tin nào đó. Nhất là ở những đoạn mở đầu khi mà toàn bộ lịch sử, đặc điểm của vùng đất bối cảnh được dàn ra vài ba trang như một bài học lịch sử. Việc tống một đống thông tin vào người đọc như thế này cần được tránh một cách hết sức có thể. Đúng là có một số thông tin cần phải đưa thẳng đến người đọc, nhưng một câu chuyện hay thường là một câu chuyện mà những thông tin được khéo léo cài vào truyện và người đọc bị hút vào nó và hoàn toàn không biết rằng mình đã được cho biết thông tin đó. Để người đọc cảm thấy mình đã phát hiện ra một chút gì đó rải rác suốt mạch truyện thì hay hơn là đập vào mặt người đọc một núi thông tin ngay lập tức.

Xử lý thông tin cần phải được kết hợp chặt chẽ với quy luật vàng: ‘Hãy chỉ cho độc giả thấy, đừng kể’. Đừng nói với người đọc chuyện gì đang xảy ra, hoặc nhân vật đang nghĩ gì, mà hãy chỉ cho họ thấy.

Đừng viết:

‘Hiei cảm thấy vô cùng căng thẳng và tức giận.’

mà hãy viết

‘Bàn tay Hiei trên chuôi kiếm run lên bần bật. Nếu không cố kìm chế mình thì hẳn cậu đã xông tới giết hắn rồi. Yêu khí cậu tăng vọt đến mức làm mọi người trong phòng đều toát mồ hôi vì nóng, nhưng Hiei thậm chí còn không nhận ra được điều này.’

Cố gắng tránh những đoạn văn kể lại như “Khi cô không ở đây thì có chuyện này đã xảy ra blah blah....” Đừng kể lại

‘Buổi sáng đã có một chuyện khủng khiếp xảy ra ở lớp cô dạy. Chuyện đó làm cô rất hoảng loạn và giờ chỉ muốn chạy ngay về nhà và nép mình vào lòng chồng.’

Dù chỉ một đoạn văn nửa trang miêu tả những gì đã xảy ra ở lớp và nhân vật chính đã cảm thấy hoảng loạn thế nào thì cũng sẽ làm truyện hấp dẫn hơn nhiều.

Bạn có thể nói: "Tôi đã từng thấy nhiều người đưa thông tin tới cho độc giả thành khối đôi khi tới vài ba trang, vậy mà chuyện vẫn hay đấy chứ?"

Đúng vậy. Bạn đã đọc 'Những người khốn khổ' chưa? Chỉ về một nhân vật phụ xuất hiện rất ít trong truyện là đức giám mục, Victor Huygo đã viết thành riêng một quyển với gần 10 chương. Chỉ viết về một nhà tu nữ hay một trận đánh, ông cũng dành hẳn một chương cho nó. Nếu bạn chịu khó đọc kỹ những chương tưởng chừng như chán ngắt này, bạn sẽ thấy ông đã giải quyết vấn đề thông tin theo khối một cách rất khéo léo. Những thông tin của ông không phải chỉ là một mớ thông tin được nhét vào một chỗ mà đều được thể hiện dưới dạng những câu chuyện nhỏ. Những câu chuyện nhỏ đó đôi lúc có tình tiết, đôi lúc chỉ là những cảnh nhỏ ghép lại với nhau, nhưng nhờ vậy mà thông tin được đưa tới người đọc một cách tự nhiên và không khô khan, cứng nhắc. Và trong cả bố cục một bộ tiểu thuyết đồ sộ, những câu chuyện nhỏ đó cho người ta thấy toàn diện bộ mặt của xã hội Pháp lúc bấy giờ.

Tuy nhiên chẳng có gì hoàn thiện. Để viết được như Victor Huygo là điều vô cùng khó.

Thông tin được đưa thành một khối và quá thừa thãi nhanh chóng tạo sự buồn chán, nhưng thiếu vắng thông tin sẽ tạo ra lỗ hổng cho câu chuyện. Khi viết một câu chuyện thì bối cảnh của câu chuyện hoặc những đặc điểm của câu chuyện đã nằm sẵn trong đầu người viết, nhưng trong đầu người đọc thì không. Nếu thiếu thông tin thì người đọc không thể hình dung được truyện. Vì vậy cách an toàn nhất là hãy xác định thông tin nào thực sự cần thiết và thú vị. Thông tin được đưa vào truyện cần phải là những thông tin thực sự cần thiết với truyện. Một đoạn miêu tả về ngọn núi dài cả khổ chỉ cần thiết khi tình tiết truyện sẽ xảy ra ở ngọn núi đó. Một đoạn nói về lịch sử của quả núi chỉ cần thiết khi mà lịch sử đó sẽ ảnh hưởng tới tình tiết truyện hoặc phát triển tính cách nhân vật.

Một điều quan trọng nữa trong việc đưa ra thông tin là tính đồng nhất của câu chuyện.

Cố gắng tránh hết mức có thể những lỗ hổng trong truyện. Nếu mắt một người xanh thì cần phải xanh đến phút cuối cùng. Nếu một người đang ngồi nói chuyện thì không thể một lúc sau lại thấy người ấy chân tê đi vì đứng quá lâu.

Có lần sau khi đọc lại một fic mình viết tôi thấy tôi đã viết thế này ‘Con chim nhỏ đậu xuống cành cây gần cửa sổ nhất và tò mò nhìn vào trong’

Một lúc sau lại đọc được ‘Con chim nhỏ giật mình ngã khỏi cửa sổ’

Cũng có lần tôi đọc được ở một fic câu “Lucius nắm lấy cả hai cổ tay Ron và giữ chặt.” (Don’t ask Tongue)

Một lúc sau, hay đúng hơn là hai câu sau lại thấy “Ron hết sức dùng tay đẩy hắn ra.”

Và suy nghĩ của tôi lúc đó là “Ủa, Ron có mấy tay vậy?”

Rốt cục thì những lỗi như thế có thể khiến người đọc bị hẫng và không hiểu nổi chuyện gì đang xảy ra.

Những lỗi về sai lệch thông thường rất nhỏ và không dễ nhận thấy. Tốt nhất là bạn tìm lấy cho mình một Beta Reader tốt để có thể giúp bạn phát hiện ra những lỗi này.

~*~

by An An
on Sat Feb 06, 2016 5:07 pm
 
Search in: Fanfiction và những điều cần biết
Chủ đề: Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]
Trả lời: 28
Xem: 1272

Về Đầu Trang

Chuyển đến