Hôm nay: Sat Apr 27, 2024 12:13 am

Tìm thấy 1 mục

Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]

Bối cảnh

#13 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

By Kal Kally

~*~

Bối cảnh rất quan trọng, nó cho chúng ta sự hình dung về nơi và cách mà cách hành động diễn ra. Nó có thể ảnh hưởng tới hành động của nhân vật, giải thích tính cách của nhân vật và thậm chí là ảnh hưởng tới sự phát triển của tình tiết. Bối cảnh có thể trở thành sợi dây kết nối toàn câu chuyện. Một bối cảnh tốt được xây dựng tốt sẽ khiến độc giả dễ thấy câu chuyện như một thể thống nhất hơn là một đống tình tiết chắp vá. Bối cảnh bản thân nó cũng có thể gợi cho người viết nhiều tình huống hoặc không khí truyện. Vậy câu chuyện của bạn diễn ra trong bối cảnh như thế nào? Chỉ trong một căn nhà, hay trong cả một thành phố lớn. Cho dù câu chuyện của bạn chỉ diễn ra trong một căn nhà thì cũng hãy chịu khó để mình có một cái nhìn qua về thành phố mà ngôi nhà đó ở trong, bởi các yếu tố của thành phố đó sẽ để lại dấu ấn lên trên con người và cả ngôi nhà kia. Còn nếu câu chuyện của bạn diễn ra trong một dãy phố, một thành phố, hay nói khác đi, một cộng đồng, thì việc quan tâm xem cộng đồng đó như thế nào là rất quan trọng. (Ta đang nói trong trường hợp bạn muốn xây dựng một fic thực sự, có thể là fic dài, bao gồm đủ cả điểm mở đầu, kết thúc và các tình tiết truyện chứ không phải dạng fic POV hay chỉ để diễn tả một cảm xúc).
Có nhiều điểm quan trọng với bối cảnh như:

+ Tên: Mỗi một địa điểm thường có một cái tên nhất định. Có thể bạn sẽ không dùng tới cái tên này một lần nào trong cả truyện, nhưng vẫn nên có một cái tên, bởi nó sẽ cho bạn một cảm nhận rõ ràng hơn về bối cảnh truyện mà bạn đang viết.

+ Con người: Mỗi một địa điểm luôn có người sinh sống, trừ phi đó là giữa đại dương hay trên hoang mạc. Bạn có thể vạch ra sơ lược xem trên địa điểm bạn dùng làm bối cảnh có những nhóm người nào và đặc điểm sơ qua của họ. Bạn không cần phải quá chi tiết, bởi dù sao thì chúng ta cũng không phải đang cố viết những tác phẩm quá lớn như Harry Potter. Những nhóm người này có thể sẽ không xuất hiện trong tác phẩm của bạn, nhưng như đã nói ở trên, nó cho bạn một cảm nhận rõ rệt hơn về bối cảnh, và khiến bạn hình dung rõ hơn phản ứng mà nhân vật của bạn sẽ có khi giao tiếp với những người xung quanh họ. Đây không chỉ là điều sẽ mang lại cho fic của bạn một cảm giác hiện thực mà còn có thể sẽ mang lại những ý tưởng mà bạn không ngờ tới.

+ Chính quyền: Mỗi địa điểm thường có một chính quyền nhất định. Chính quyền này sẽ ảnh hưởng lên những chính sách mà địa điểm đó đang áp dụng, những chính sách này sẽ ảnh hưởng lên tình trạng của địa điểm đó, và cuối cùng là ảnh hưởng dây chuyền lên nhân vật và cuộc đời của nhân vật.

+ Địa lý: Bạn nên hình dung được, hoặc vẽ sơ qua hình dáng, địa bàn của địa điểm mà bạn chọn làm bối cảnh. Điều này sẽ đem đến cảm nhận rõ hơn về bối cảnh, có thể sẽ mang lại cho bạn ý tưởng, cũng như sẽ giúp bạn tránh được những sai sót vì thông tin không đồng nhất ở các phần truyện. (Tôi thường làm điều này khi viết fic AU hoặc fic dài. Khi viết “Kaga và quái vật” – một truyện AU của Hikaru no Go, tôi đã vẽ lên hẳn một bản đồ chi tiết cho fic đó.)

+ Dòng thời gian: Chuyện đương nhiên bạn cần phải chú ý trong các câu chuyện nghiêm chỉnh và không dính đến du hành thời gian, hoặc sự bóp méo của thời gian. Hãy thử xem “Thần y Ho Jun” đôi khi bạn sẽ rất ngạc nhiên khi nghe thấy những khái niệm đặc sệt y thuật hiện đại. Một câu chuyện ở vào thế kỷ 18 thì không thể có máy bay, có máy tính; và bạn không thể có một đất nước với các quan quản lý từng địa phương ở nước Anh trung cổ.

+ Lịch sử: Nếu câu chuyện bạn viết dựa trên lịch sử thì hãy chắc chắn là bạn biết rõ về thời kỳ lịch sử đó. Nếu bạn không biết về rõ thì đừng nói gì, đừng viết gì cho đến khi bạn biết rõ. Có thể một vài lỗi nhỏ sẽ thường được bỏ qua, nhưng dù thế nào thì cũng vẫn có khả năng một người nào đó bất chợt hét lên: ‘Làm cái quái nào mà nó lại xảy ra như vậy được ?!?’ Đối với một câu chuyện hoàn toàn không dựa trên lịch sử bạn cũng nên có một cái nhìn sơ lược về lịch sử vùng đất bối cảnh. Có thể bạn không nói nó ra, nhưng nó sẽ cần thiết khi bạn cần giải thích một số thứ, và giúp bạn có cái nhìn toàn cảnh hơn về tác phẩm.

+ Phong tục: Mỗi vùng đất đều có một số thói quen, phong tục, tôn giáo nhất đinh. Nó sẽ ảnh hưởng lên lối suy nghĩ và những hành động của nhân vật. Như một người theo Đạo thiên chúa sẽ có thói quen làm dấu thánh, còn người theo đạo Phật thì không thể bỏ qua phong tục cúng lễ và thắp hương cho người đã khuất.

+ Quá khứ: Quá khứ sẽ định hình hiện tại. Một vùng đất đã trải qua một cuộc tấn công hẳn sẽ có những cơ quan phòng thủ và quân đội vững mạnh. Một vùng đất đã từng bị phá hủy bởi núi lửa sẽ có những hệ thống theo dõi hoạt động của núi lửa và hệ thống cảnh báo khi thảm họa xảy ra.

+ Thời tiết: Thời tiết có thể ảnh hưởng lên toàn bộ những hành động của nhân vật, như nếu trời mưa tầm tã thì người ta sẽ ở lỳ trong nhà. Khi trời nóng nực hoặc khi đi trong sa mạc thì nhân vật sẽ tìm mọi cách để che đầu. Thời tiết cũng có thể ảnh hưởng tới sự phát triển của tình tiết truyện, như một cơn bão có thể nhấn chìm cả một đội thuyền chiến, hoặc chỉ đơn giản là đánh gẫy cái cây nhiều kỷ niệm mọc ở góc sân.

Đối với fanfiction, bạn có thể chú ý thêm một điều nữa.

+ Sự đồng nhất với thế giới của truyện nguyên bản: Hãy để ý tới những điều có thể hoặc không thể trong thế giới của truyện gốc. Ví dụ như Houshin Engi diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc cổ, nhưng hẳn sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu tự dưng xuất hiện một robot hiện đại.

Khi sử dụng bối cảnh, rất dễ nhận thấy là bối cảnh có thể là bối cảnh lớn, cũng có thể là bối cảnh nhỏ.

Bối cảnh lớn không cần được miêu tả kỹ lưỡng. Nó không cần đi vào tiểu tiết mà cần bao gồm những ấn tượng chung nhất, những thông tin cần thiết nhất, những hình ảnh lớn như rặng núi, lục địa, những đặc điểm chung nhất về thói quen, lịch sử, thời tiết, tôn giáo.... Bối cảnh lớn cho chúng ta cái nhìn chung về thế giới của truyện, một thế giới khác với chúng ta. Nó cần thiết vì người viết cần người đọc hình dung được thế giới đó như thế nào và không đi vào suy đoán những điều sai lệch sẽ dẫn tới những cảm nhận không mong muốn về truyện.

Bối cảnh nhỏ là bối cảnh được miêu tả chi tiết. Bạn có thể không có bối cảnh lớn nhưng buộc phải có bối cảnh nhỏ, vì đây là nơi mà hành động diễn ra. Nếu bạn đã có bối ảnh lớn thì bối cảnh nhỏ sẽ dễ được người đọc chấp nhận hơn vì đã được hướng theo một cách suy nghĩ nhất định nhờ bối cảh lớn. Không khí truyện trở nên cần thiết ở đây, vì bối cảnh nhỏ là nơi tương tác trực tiếp với cảm nghĩ và hành động của nhân vật.

Bối cảnh nhỏ có thể được thể hiện qua miêu tả ở phần đầu mỗi cảnh. Những hình ảnh mà bạn đưa ra sẽ định hình trong đầu độc giả quang cảnh mà ở đó hành động sẽ diễn ra. Nhưng không chỉ giới hạn ở đó, bối cảnh cần được củng cố ở toàn bộ nội dung chuyện. Có thể không phải là những đoạn miêu tả dài mà những hành động tương tác của nhân vật với cảnh. Bạn không cần phải nói là trời nóng, nhưng hành động cởi áo mồ hôi nhễ nhại là đủ để thể hiện trời nóng. Bạn không cần phải nhắc đi nhắc lại là nhân vật đang ở trong rừng hay miêu tả khu rừng này đẹp thế nào. Để nhân vật ngắt một cái lá trên đường đi, gạt những cành cây rậm rạp phía trước sang bên, cúi xuống xem một đóa hoa dại ở gốc cây sẽ đem lại hiệu quả thể hiện bối cảnh nhiều hơn nhiều là dùng một đoạn văn miêu tả đơn thuần. Ở đây người viết cần chú ý giữ được tính hợp lý và đồng nhất với những bối cảnh nhỏ được miêu tả ở trước đó và bối cảnh chính của cả đoạn. Thật tệ nếu như bạn cho nhân vật ngắt một cái lá trên đường đi trong một khu rừng không có bụi rậm và chỉ toàn những thân cây to trơn trượt, với tán lá ở cao ngất trên trời.

Miêu tả nơi sự việc diễn ra là cần thiết, nhưng người viết cần xác định được mức độ mà mình cần miêu tả bối cảnh. Một câu chuyện ngắn khoảng 3, 4 chapter không cần đến một bối cảnh lớn với cả một thế giới mới được tạo dựng. Một câu chuyện chỉ diễn ra trong một ngôi nhà gỗ thì không cần tới cả nửa trang giấy miêu tả khu rừng, dù ngôi nhà gỗ đó có nằm giữa rừng. Cảnh giúp khắc họa tình tiết truyện, nhưng quá nhiều và không hợp lý sẽ dẫn tới buồn chán hoặc thu hút người đọc ra khỏi tình tiết chuyện. Cũng như vậy, một cảnh phổ biến không nên đuợc mô tả quá nhiều. Một căn phòng thời Trung cổ có thể cần nhiều miêu tả, nhưng cần ít miêu tả hơn để làm người đọc hình dung được một căn bếp hiện đại, trừ phi có sự kiện chính nào diễn ra ở đó.

Bối cảnh cũng có thể được dùng để vẽ nên không khí của truyện. Cùng là một bờ biển cát vàng nhưng việc miêu tả những người dân chài kéo lưới vào bờ sẽ đem lại không khí khác với việc bạn miêu tả những đôi nam nữ lững thững đi trên cát ngắm nhìn cảnh bình minh. Cách nhìn của từng nhân vật với một bối cảnh cũng sẽ đem lại những không khí truyện khác nhau. Một người khách du lịch có thể chỉ nhìn thấy những cảnh nên thơ ở khu đền đài cũ, nhưng một nhà khảo cổ học sẽ thấy ở đó chiều sâu của cả một nền văn minh đã mất.

Cảnh vật  xunng quanh và thời tiết là những công cụ tuyệt vời để khắc họa cảm xúc mà nhân vật đang cảm thấy, và nó nếu được sử dụng khéo sẽ đem lại hiệu quả rất lớn. Chúng ta thường có chung cảm nhận về cảnh vật và thời tiết trong sự liên tưởng tới một sắc thái tìm cảm nào đó. Sấm chớp dễ giúp hình dung về sự giận dữ hoặc xung đột nội tâm, Bình minh dễ giúp hình dung về hy vọng, nắng mặt trời rực rỡ dễ giúp hình dung về sự vui vẻ, bầu trời đỏ máu thể hiện sự hủy diệt, mưa thể hiện nỗi buồn và mặt trăng đen.... uh... mặt trăng đen thể hiện sự... bất thường! Sử dụng cảnh vật trong mối tương tác với nhân vật là cách rất tốt để diễn tả cảm xúc nhân vật hoặc khởi tạo và phát triển không khí cho một cảnh.

Đây là đoạn ‘mổ xẻ’ một fic.

Mưa lướt qua một thị trấn thế giới phù thủy. Những đám mây xám xịt phủ kín bầu trời ủ dột, nặng tới mức tưởng chừng như có thể chạm được vào nếu vươn tay lên cao. Remus Lupin lang thang trên phố vắng. Không mưa, không áo khoác... hoàn tòan không được che chở khỏi mưa và cơn gió buốt giá. Anh chưa muốn về nhà, gần như là sợ quay trở lại. Đeo lên cái mặt nạ vui vẻ và hạnh phúc chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là lúc này khi anh chỉ nghĩ về người khác. Những giọt nước sắc như dao thấm qua bộ quần áo Muggle nhàu nhĩ làm da anh tê đi vì lạnh. Nỗi buồn cũng giống như nước thấm vào hồn anh. Remus nhớ bạn mình hơn bao giờ hết.

Prongs, Padfoot, Moony, Wormtail... Chẳng phải chúng ta chưa bao giờ chịu khuất phục luật lệ sao? Tại sao lại không thể phá luật chỉ một lần này thôi để cứu một người bạn cũ?’

Remus xòe tay ra bắt một cái lá lạc đường trong ngọn gió ướt đẫm nước mưa. Cái lá này cũng giống như cuộc đời anh. Cô độc và vùi dập trong bão tố.

Thế nhưng, khoảng thời gian mà chúng ta khao khát được chơi dưới mưa đã qua lâu rồi. James đã chết. Peter đã chết. Cậu để mất tuổi thanh xuân trong cái nhà tù ghê tởm sẽ cướp mất cảm xúc và ký ức của con người. Tôi không sợ cậu sẽ đến giết tôi khi cậu trốn thoát nhưng..

Remus cứ đi mãi vô định, để sự trống rỗng trong lòng dẫn mình đi bất cứ nơi nào nó muốn. Những giọt nước như thủy tinh nhỏ xuống từ tóc, tay, quần áo và rồi vỡ vụn thành muôn ngàn mảnh trên những viên đá lát đường.  

...Dù có cơ hội để tôi cứu cậu thoát khỏi sự trả giá cho tội ác mà cậu đã gây ra thì liệu cậu còn nhớ được tôi không? Hay tình bạn của chúng ta đã hóa thành tro bụi? Hay tình cảm của chúng ta chỉ còn là một làn khói nếu tôi thử nắm lấy sẽ biến mất ngay?


Thời tiết đã được dùng để khởi tạo không khí cho toàn bộ cảnh. Tất cả những hình ảnh đều được chọn để nhấn mạnh sự xung đột trong suy nghĩ của Remus. Mưa và bầu trời xám xịt được dùng để phản chiếu lại sự buồn bã. Một cái lá rơi thể hiện sự thiếu kiên quyết chưa xác định được con đường của mình, và những giọt nước vỡ vụn tượng trưng cho tình bạn đã mất không thể lấy lại. Cho dù đoạn văn trên có thành công trong việc truyền đạt những hình ảnh trên tới người đọc hay không thì ít nhất nó cũng khắc họa được tâm trạng ủ dột của Remus.

Ngay cả với cái ô lớn trên đầu áo choàng của anh vẫn sũng nước vì cơn mưa quá lớn, và ngọn gió mạnh đang thổi bạt những giọt mưa rơi nghiêng. Anh đang làm gì ở thị trấn xa lạ này? Tháng trước Severus đã đợi con nguời ngu ngốc vẫn biến thành sói những khi trăng tròn hàng đêm trời. Tuần trước anh dồn tất cả thời gian liên lạc với những người bạn phù thủy, cố theo dấu của gã ngốc ấy. Ngày hôm qua anh lục tung cả cái thị trấn quái quỷ này lên để tìm người đó. Và giờ đây chính anh lại đứng như một thằng ngốc nhìn kẻ lang thang đã ám ảnh những giấc mơ của anh hàng đêm trời.

Hình ảnh cái ô và áo choàng thẫm nước tạo ấn tượng về một hành động vô ích, nhờ đó mà không khí của đoạn được tạo dựng. Nó sẽ giúp cảm nhận về những hành động vô ích ở phía sau đến dễ dàng hơn, và nhấn mạnh hơn mà không cần dùng đến từ ‘vô ích’.

Cơn mưa nặng hạt đã dịu lại. Những đám mây xám xịt đang bị gió cuốn dần đi, nhường chỗ cho những mảng bông trắng muốt. Bầu trời đang sáng dần lên. Cuối cùng mưa lùi bước, chấp nhận bị ánh nắng mặt trời rực rỡ chinh phục. Trên cái nền xanh cao vợi xuất hiện một áng cầu vồng.

Sirius, Remus và Severus nhìn lên dải màu tươi tắn ấy cùng lúc.

Đầy hứa hẹn nhưng cũng đầy bấp bênh. Như cây cầu vắt ngang dòng sông của đau khổ và dằn vặt đang ngăn cản họ đến bờ hạnh phúc. Cây cầu luôn luôn ở đó, nhưng rốt cuộc thì không ai trong số họ có đủ dũng cảm để bước lên. Thế là họ cứ đứng đó im lặng ngắm nhìn cầu vồng với vẻ ao ước, hòan toàn cô độc với trận chiến cùng cơn bão trong trái tim mình.

Giá như ta có thể đi tới cuối cầu vồng...


Hình ảnh của cầu vồng và ánh sáng bừng lên sau cơn mưa được dùng để tượng trưng cho hy vọng. Hay đúng hơn là một hy vọng không thể đạt được vì chẳng ai đi tới được chân cầu vồng. Đối lập hòan tòan với cơn mưa tối tăm được miêu tả kỹ ở phía trên, đoạn miêu tả này đã diễn đạt cảm xúc của cả ba nhân vật mà không cần phải miêu tả quá nhiều về tình cảm.

Vẫn câu nói quen thuộc ở đây. Quá nhiều chẳng bao giờ là tốt. Thường thì quá nhiều miêu tả sẽ gây mất tập trung vào tình tiết, và như thế tuy nó đem lại nhiều hiệu quả, nhưng quá nhiều hiệu quả lại giảm nhẹ ảnh hưởng của hiệu quả.

Không nên viết một khổ dài chỉ để miêu tả cảnh hoặc thời tiết nếu bạn muốn dùng nó khắc họa cảm xúc và không khí cảnh trừ phi cảnh và thời tiết là một phần của tình tiết truyện. Nếu cơn lốc xóay đang tiến đến đe dọa mạng sống của nhân vật thì cơn lốc xoáy đó cần được miêu tả kỹ để tạo sự căng thẳng. Tuy nhiên nếu nhân vật đang đứng ở một vị trí an toàn và cơn lốc xóay chỉ là điểm nhất cho sự xung đột trong nội tâm nhân vật thì cơn lốc xóay đó chỉ nên được mô tả một vài dòng. Miêu tả vừa đủ sẽ giúp người đọc vừa giữ được ấn tượng miêu tả tạo ra vừa chuyển từ miêu tả sang hành động hoặc sự kiện của cảnh một cách an tòan. Miêu tả quá nhiều đưa người đọc đi xa khỏi cảnh, và khi họ quay lại thì không biết phần nào của miêu tả nên bắt đầu chuyển sang hành động và sự kiện.

Đối với fic Rainbow ở trên tôi đã nhận được những review khen các đoạn miêu tả và nói chúng không thừa, nhưng cũng có một review như thế này. ‘Fic hay. Nhưng với tất cả những miêu tả đó thì fic đôi chỗ rất khó đọc. Có những hình ảnh đẹp thể hiện mưa, nhưng bạn không nên dùng chúng quá nhiều. Hình ảnh làm độc giả cảm thấy ‘đầy’ và có thể phá hỏng hiệu quả.’

... well... dù tôi là người viết, và dù tôi vẫn thích fic khi đọc lại thì quả thật ấn tượng mạnh nhất của tôi về fic vẫn là: ‘một fic sũng nước’.

Ngòai ra tuy nói rằng người ta thường có chung cảm nhận về một loại cảnh hoặc thời tiết, nhưng điều đó không phải là tuyệt đối. Một cơn mưa rào ở vùng nóng nực có thể mang đến cảm giác mát mẻ và sảng khóai hơn là u buồn. Và bầu trời đỏ máu trong mắt một chiến binh có thể tượng trưng cho sự hiếu chiến hơn là sự hủy diệt. Thậm chí sự đối lập về cảnh, thời tiết và tình cảm cũng có thể thành công. Đừng bị bó buộc vào cảm nhận đầu tiên về cảnh và thời tiết mà hãy cho mình những lựa chọn đa dạng.

~*~

<Copyright by Kal Kally>
by An An
on Sat Feb 06, 2016 4:56 pm
 
Search in: Fanfiction và những điều cần biết
Chủ đề: Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]
Trả lời: 28
Xem: 1272

Về Đầu Trang

Chuyển đến