Hôm nay: Fri Apr 26, 2024 4:46 pm

Tìm thấy 1 mục

Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]

Hội thoại[1]

#11 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

By Kal Kally

~*~


Hội thoại là một trong những phần quan trọng nhất của một câu chuyện. Hầu như không thể viết truyện dài mà không có nó, và chuyện ngắn rất ít loại có thể tồn tại thiếu nó. Chức năng cơ bản nhất của hội thoại là cung cấp thông tin và bôi trơn cho tình tiết chuyện. Ngòai ra, hội thoại đem lại chiều sâu cho nhân vật, cho chúng ta biết về ngôn ngữ và phong cách của một nhân vật. Hội thoại không nên được xây dựng một cách vội vã chỉ để nhằm truyền đạt thông tin đến người đọc. Nếu như thế thì câu tường thuật sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Tính cách của nhân vật trong hội thoại

Để có một đoạn hội thoại hay thì bên cạnh việc giữ đúng tính cách nhân vật, điều quan trọng hơn là xây dựng tính cách nhân vật qua hội thoại.

Mỗt một người đều có cách nói riêng biệt, những giọng điệu riêng biệt và cách thể hiện riêng biêt. Không phải là chuyện lạ nếu chúng ta viết hội thoại cho nhân vật và những nhân vật đó nghe giống chúng ta. Vậy cái gì sẽ làm cho hội thoại mang đậm dấu ấn của nhân vật? Câu trả lời đầu tiên sẽ là nội dung. Nhưng bên cạnh đó còn có nhiều thứ khác như ngữ pháp, hành động đi kèm, cách phát âm... Vấn đề lớn nhất tạo ra những đoạn hội thoại tồi là sự không giữ đúng tính cách nhân vật và sự không thực tế trong lời nói.

Một cách để xây dựng tính cách nhân vật trong hội thoại là dùng ngữ điệu và cách phát âm và ngôn ngữ địa phương. Mỗi một địa phương khác nhau có một cách phát âm và ngôn ngữ địa phương hơi sai khác, đưa nó vào được hội thoại sẽ giúp tăng ấn tượng của người đọc với nhân vật. Tuy nhiên để sử dụng được ngữ điệu và cách phát âm rất khó. Bạn cần phải hiểu rõ về cách phát âm và ngôn ngữ đó trước khi có thể kết hợp nó với hội thoại và nhân vật. Cách phát âm và ngôn ngữ sử dụng sai sẽ phá tính cách nhân vật một cách tồi tệ. Nếu bạn định dùng chúng trong hội thoại và không hiểu rõ ngôn ngữ, cách phát âm của địa phương mình muốn dùng thì hãy tìm hiểu rõ về nó, còn nếu không thì hãy tử bỏ ý định đó.

Nếu bạn không thể tìm hiểu được và vẫn muốn dùng cách phát âm? Bạn vẫn có thể dùng lời miêu tả để thể hiện nó. Cách này không hiệu quả như cách thực sự dùng nó, nhưng sẽ an tòan hơn.

An mới chuyển về TP HCM sống được một tháng. Công việc và cuộc sống đều đã ổn định, chỉ có một vấn đề duy nhất là do cô không sao quen được với giọng miền Nam. Nhiều từ miền Nam cô không quen, nghe mọi người nói mà nhiều khi cô chẳng hiểu.

Sự hợp lý cũng là yếu tố sống còn của hội thoại. Khi xây dựng hội thoại bạn cần quan tâm tới độ tuổi, tính cách và trình độ giáo dục của nhân vật.

Trẻ con thường dùng những từ có thể khác với người lớn, và không thể dùng những từ phức tạp mà người lớn hay dùng, trừ phi là bạn muốn thể hiện một đứa trẻ già trước tuổi. Nhưng ngay cả vậy, ngôn ngữ của một đứa trẻ già trước tuổi cũng không tránh khỏi dấu ấn trẻ con của mình.

Tính cách nhân vật dựng nên hội thoại, và hội thoại sẽ khắc họa tính cách nhân vật. Bạn đã dựng nên quá khứ, môi trường sống của một nhân vật, đã tạo nên tính cách của nhân vật đó, thì bạn phải bám theo nó cho đến chữ "The End." Khi lập hội thoại, hãy luôn nghĩ trong trường hợp này, nhân vật sẽ nghĩ gì, cảm thấy gì và sẽ không nghĩ gì, không cảm thấy gì. Sau đó sẽ dẫn tới việc nói gì và không nói gì.

Nếu qua cả câu chuyện, A là một kẻ hèn nhát, ham sống sợ chết, thì không thể có một sự kiện mà giữa sống và chết, A chợt đứng lên, nhìn thẳng vào khẩu súng đang chĩa vào mình mà không run rẩy, nói thản nhiên. "Chỉ một người phải chết. Vậy hãy để tôi chết. Anh ấy cần phải sống, còn rất nhiều người cần đến anh ấy." Nếu một người mà tuổi thơ đã mất cả gia đình trong một vụ hoả hoạn, và người đó cũng đã sống sót trở về từ vụ hỏa hoạn đó, thì không thể có một đoạn hội thoại mà người đó ca ngợi hết lời về những người lính cứu hoả hay về vẻ đẹp của lửa được. Một người hay xấu hổ sẽ tránh dùng từ ‘tình dục’ khi nói và một thiếu niên sống phóng khoáng nhiều bạn bè sẽ không xưng hô ‘bạn – tôi’ khi nói chuyện với bạn mình.

Hãy thử hình dung xem nhân vật sẽ xử sự thế nào trong một tình huống nhất định và sau đó hợp nhất cách xử sự đó với lời nói. Tình cảm của nhân vật trong một tình huống, sợ sệt, bình tĩnh, đau khổ hay hạnh phúc, các sắc thái tình cảm đều để lại dấu vết trong hội thoại. Cùng truyền đạt một nội dung nhưng với những sắc thái tình cảm khác nhau là những lời thoại khác nhau.

Bình tĩnh: ‘Đứa bé bước trên dây một cách điêu luyện và nhẹ nhàng.

Kinh ngạc: ‘Nhìn nó bước trên dây xem! Chẳng khác gì diễn viên xiếc! Tài thật!

Lo lắng: ‘Đi trên dây khéo gì thì khéo chứ cứ thế này thì nó ngã chết mất thôi!

Sợ hãi: ‘Trời! Nhìn sợi dây run lên kìa! Sao nó lại dám đi trên đó như thế chứ!

Không quan tâm: ‘Có gì tài đâu? Nó sống trong rạp xiếc từ nhỏ, đi trên dây giỏi cũng là chuyện thường thôi.

Khinh thường: ‘Có thể mà cũng khoe. Đi trên dây chỉ là việc của lũ vô học.

Bạn cần hiểu biết về nhân vật. Nhất là khi nhân vật của riêng bạn thuộc về một câu chuyện dài, thì tầm quan trọng của việc hiểu biết về nhân vật không thể bỏ qua. Nếu trong fan fiction, hãy lắng nghe kỹ cách nói của nhân vật. Chẳng hạn như trong HunterxHunter, Killua những lúc ở luôn bạn bè luôn có thái độ tinh nghịch của một đứa trẻ, nhưng khi đối diện với sự đe doạ hoặc gia đình, thì lại có cách nói nghiêm trang và sâu. Kurapika khi nói về bản thân luôn sử dụng từ "watashi"- "tôi"; Trong Get Backers. Akabane luôn gọi Ginji là “Ginji-san”, Ginji luôn gọi Ban là “Ban-chan” v.v...

Để đoạn hội thoại của fan fiction sinh động và có dáng dấp của manga/anime, phong cách nói của nhân vật, thái độ của nhân vật đối với những nhóm người khác nhau, những cụm từ nhân vật hay dùng, hoặc một vài câu nói nổi tiếng của nhân vật cần được áp dụng bất cứ chỗ nào hợp lý.

Trình độ học vấn của nhân vật là một vấn đề thường bị vi phạm. Tùy theo trình độ học vấn mà cách nói của mỗi người sẽ trở nên khác nhau. Với tính cách lịch sự và hiểu biết sâu rộng của mình, Kurapika sẽ không bao giờ ‘chửi đổng’ hoặc nói những từ thô lỗ, hoặc xư hô ‘tao – mày’, đồng thời thường là nhân vật được giao nhiệm vụ giải thích một sự việc nào đó. Nhưng ngược lại, một người khuân vác bình thường sẽ không đột nhiên tuôn ra cả một tràng dài giải thích về Big Bang và sự hình thành vũ trụ, cũng không mất công lựa chọn ngôn từ khi nói và tránh những từ thô tục.

Ở đây người viết cũng cần phân biệt được văn nói và văn viết, hay sự khác biệt về những điều mà bạn thu lượm được trong sách giáo khoa và những gì người ta nói thường ngày. Những từ như ‘đỉnh, chuối, tóc vàng hoe v.v... ‘ là ngôn ngữ nói. Chúng không thể dùng trong lời kể trừ phi bạn viết chuyện hài. Chúng cũng không thể xuất hiện trong lời nói của những nhân vật cấp cao trong một dịp lễ trọng đại. Tuy vậy, những từ hoặc cách thể hiện hay xuất hiện trong văn viết hoặc các bài phát biểu không nên dùng trong những lời nói bình thường.

Sẽ thật kỳ quặc nếu bạn đọc được một cậu học sinh thốt lên: ‘Ôi, cuộc đời này mới tươi đẹp làm sao!’ hoặc một bà bán hàng nói: ‘Ngày hôm qua cô giáo đã bày tỏ mối quan ngại về tình hình học tập của thằng con trời đánh của tôi.

Một đoạn giải thích như sau có thể nghe rất hiểu biết:

Khí clo là khí độc. Nếu bạn hít phải nó, nó sẽ phá hủy đường hô hấp của bạn. Trong trường hợp bạn gặp phải khí độc hãy tìm một mẩu vải ướt chặn đường hô hấp lại. Khí clo gặp nước có thể tạo thành HCL, nhưng nồng độ chỉ khoảng 15% sẽ không đủ mạnh để làm hại bạn, trong khi đó nước sẽ là vật cản tốt để tránh khí độc chui vào phổi bạn.

Thế nhưng trong cuộc sống bình thường hàng ngày, và nhất là trong tình huống khẩn cấp chẳng kẻ ngớ ngẩn nào lại nói mớ lý giải đó ra, kể cả thầy giáo hóa học. Người ta sẽ chỉ nói đơn giản:

Khí độc! Mau kiếm mẩu vải ướt bịt ngay vào mũi!

Đối tượng nhân vật nói chuyện với cũng quyết định những gì nhân vật sẽ nói. Đối với một người lớn tuổi và được kính trọng, người ta sẽ nói: ‘Cách suy nghĩ của ông không được hợp lý lắm’, chứ không nói ‘Ông đúng là thằng điên!’ Một bà mẹ không được học hành tử tế và quen với lối ăn nói bỗ bã sẽ không cúi xuống mà nói với con ‘Này con, mẹ không thể tưởng tượng nổi là con lại làm như thế này với mẹ.’ Bà ta sẽ nói: ‘Thằng ranh con! Sao mày dám làm thế!

Giới tính của nhân vật cũng nên được quan tâm. Đây không phải là tuyệt đối, nhưng thường thì cách nói chuyện của nam giới và nữ giới khác hẳn nhau. Phụ nữ thường dễ nói những điều ướt át hơn, dùng nhiều miêu tả hơn, thể hiẹn nhiều cảm xúc hơn nam giới. Có những chủ đề mà phụ nữ hay nói, và có những chủ đề chỉ nam giới nói với nhau. Khi nói chuyện với nhau về một người phụ nữ khác, cái mà phụ nữ quan tâm thường là diện mạo, quần áo và gia đình. Khi nói chuyện với nhau về một người đàn ông khác, đàn ông thường quan tâm tới tiền tài, sự nghiệp và con vợ/con bồ có quyến rũ hay không.

Tính cách nhân vật đóng một vai trò quan trong để tạo nên những đoạn chen ngang. Mỗi một người khác nhau có những thái độ, cách thể hiện khác nhau khi nói. Những đối tượng nói chuyện khác nhau cũng khiến người ta có những cách phản ứng khác nhau. Một nguời kín đáo ít lời khi nói có thể có những hành động thu mình lại như khoanh tay, đưa tay lên che miệng, ngồi khép gối, không nhìn thẳng vào mắt người đối diện vv... Một người cởi mở khi nói chuyện có thể sẽ có vẻ mặt rất biểu cảm, dùng nhiều cử chỉ để diễn tả lời nói của mình, thường nhìn người đối diện. Một số người khi mất bình tĩnh sẽ nói lắp ba lắp bắp, hoặc nói lung tung. Biết sử dụng những đoạn chen ngang hiệu quả trong hội thoại sẽ giúp bạn khắc họa rất tốt tính cách của nhân vật.

Hội thoại câm

Hội thoại câm là đoạn hội thoại không phát ra âm thanh. Hội thoại kiểu này được dùng để thể hiện đối thoại nội tâm trong đầu nhân vật hoặc những tình huống mang tính chất tâm lý, siêu nhiên, ký ức.

Hội thoại câm bao giờ cũng phải tách riêng khỏi truyện bằng một cách khác với hội thoại bình thường để thể hiện tính chất câm lặng của nó.

Một cách sử dụng quen thuộc nhất là in nghiêng.

Sẽ không bao giờ mình còn được thấy Yukina nữa. Hiei đứng lặng trước mộ em gái. Giá như mình đã nói với nó mình là anh trai của nó.

Một cách khác là sử dụng dấu phẩy đơn.

'Tại sao cậu lại trở về đây? Để ám tôi chăng?' Leorio lặng nhìn bóng ma đang đứng bên giường.

Kurapika chỉ cười. Đã sáu mươi năm rồi kể từ ngày ấy. Tóc Leorio đã bạc trắng, mắt đã mờ, da nhăn nheo, thời gian in đậm trên cả cơ thể và gương mặt ông. Nhưng thời gian không để lại chút dấu ấn gì ở Kurapika. Vẫn mái tóc vàng ấy, vẫn đôi mắt xanh trẻ trung ấy, vẫn gương mặt đầy sức sống ấy. Phải rồi, thời gian không có ảnh hưởng gì lên những người đã chết.

'Kurapika, tại sao...' Leorio cố dùng chút lực tàn với đến bóng ma.

Chợt Kurapika quỳ xuống bên cạnh giường và cầm lấy tay ông. 'Chỉ một chút nữa thôi, cậu sẽ rời bỏ nơi này. Đừng lo lắng Leorio, cũng đừng sợ hãi. Chúng ta sẽ lại ở bên nhau, tất cả chúng ta. Gon, Killua và tôi nữa, sáu mươi năm nay, chúng tôi đã luôn chờ đợi cậu.'


Cũng có thể sử dụng dấu phẩy kép đi kèm với từ "nghĩ":

"Chẳng còn gì hết. Tất cả đã chấm dứt." Seta nghĩ thầm, rồi lắc đầu với mình. "Không, tất cả chưa chấm dứt."

Đương nhiên, sử dụng gián tiếp cho những trường hợp này cũng có thể được:

'Cậu sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Yukina nữa. Hiei đứng lặng trước mộ Yukina. Yukina đã ra đi mà tâm nguyện vẫn chưa hoàn thành. Giá như cậu đã chỉ một lần nói với cô rằng cậu là anh trai của cô.'

Nhưng như thế thì không giữ được tính chất của hội thoại câm nữa. Sử dụng gián tiếp kéo gần đoạn hội thoại câm lại với tác giả, nhưng lại kéo nó xa khỏi nhân vật. Tuỳ trong từng trường hợp mà sử dụng gián tiếp hay trực tiếp hội thoại câm sẽ có tác dụng khác nhau.

~*~

by An An
on Sat Feb 06, 2016 12:18 pm
 
Search in: Fanfiction và những điều cần biết
Chủ đề: Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]
Trả lời: 28
Xem: 1272

Về Đầu Trang

Chuyển đến