Hôm nay: Fri Mar 29, 2024 11:42 am

Tìm thấy 1 mục

Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]

Nhịp độ và giai điệu

#14 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

By Kal Kally

~*~

Nhịp độ và giai điệu

Nhịp độ và giai điệu là những vấn đề mà nếu bạn vấp phải thì nó sẽ ảnh hưởng tới mọi khía cạnh của câu chuyện bạn đang viết. Tình tiết truyện, tính cách nhân vật, chủ đề v.v… tất cả mọi thứ sẽ đều bất ổn nếu nhịp độ/giai điệu có vấn đề.

Do tôi thực sự không biết diễn tả những khái niệm này bằng từ nào là phù hợp nhất, “nhịp độ” và “giai điệu” là cách gọi do tôi tự đặt theo những giải thích sau:

Nhịp độ liên quan tới dòng chảy của câu chuyện, nói cách khác, tình tiết truyện. Liệu độ dài của truyện cũng như khoảng thời gian diễn tả trong fic có đủ để diễn tả điều bạn muốn nói không? Liệu có đủ đề người đọc quan tâm tới kết thúc mà bạn muốn không? Liệu tại đỉnh điểm bạn có hạ nhiệt hợp lý không, hay lên quá cao rồi lại kết thúc khiến người ta hụt hẫng? Liệu câu chuyện có càng ngày càng cẳng lên tới đỉnh không hay chỉ đều đều trong suốt cả độ dài của nó? Liệu mỗi cảnh nhỏ trong truyện có gượng gạo, không hợp được với toàn bộ câu chuyện lớn không? Nếu câu chuyện quá nhanh thì người đọc sẽ có thể cảm thấy như là đang đi trên thuyền trên một mặt nước sông chảy siết và điều thú vị nằm dưới mặt sông ấy có vẻ như kém quan trọng đi so với việc đi từ đây tới kia. Thế nhưng cảm giác đó rõ ràng không phải là cảm giác mà bạn muốn người đọc cảm thấy. Bạn muốn họ sẽ “muốn biết” về những bí mật mà bạn đang từ từ hé mở, “muốn theo dõi” những diễn biến mà bạn đang thể hiện. Nếu câu chuyện quá chậm thì ngược lại, người đọc sẽ cảm thấy như họ đang bộ trong một đường dài cả trăm km mà khi nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm người ta sẽ thở phào. Thế nhưng có lẽ không ai lại muốn người đọc của mình cảm thấy nhẹ nhõm bởi vì cuối cùng câu chuyện của mình cuối cùng cũng đã kết thúc.

Nhịp độ cũng thường bị vi phạm trong những fic có nhiều nhân vật và các nhân vật này lại được miêu tả trong những tình tiết riêng biệt nhau. Người viết đôi khi không chú ý tới nhịp độ về mặt thời gian giữa câu chuyện của từng nhân vật, hoặc từng cặp nhân vật. Một câu chuyện liền mạch và hợp lý thì thời gian giữa những câu chuyện phải song song nhau, hoặc thời gian của câu chuyện này nối tiếp thời gian của câu chuyện kia. Một nhóm gồm Hisoka, Illumi, Killua, Kurapika, Leorio và Kuroro bị tách nhau ra. Tại một chapter, Illumi và Hisoka đang bị tấn công. Trong các chapter sau đó, vô khối chuyện xảy ra, và quãng thời gian vài ngày đã trôi qua với những người còn lại. Tới một chapter sau đó chúng ta mới được thấy kết quả của trận đánh giữa Illumi và Hisoka. Như vậy là nhịp độ của fic đã có vấn đề. Những khoảng trống về mặt thời gian sẽ có thể khiến nhịp độ bị ngắt quãng.

Nhịp độ cũng có thể có vấn đề trong cách bạn sắp xếp những chapter của fic. Đôi khi bạn gặp những fic chỉ có một vài chương nhưng đáng lẽ ra nó phải được giải quyết trong cả chục chương Đối với fanfic, tốt nhất là chỉ nên giữ một hoăc hai sự kiện chính trong một chương. Có thể đọc toàn bộ từ đầu tới cuối một câu chuyện có điểm thú vị của nó, nhưng ngay cả lúc đó việc cắt chương đúng chỗ sẽ cho phép bạn tập trung giải thích và miêu tả kỹ về một sự kiện cũng như những ảnh hưởng lên nhân vật. Có thể người đọc sẽ giở tiếp ngay sang trang sau để đọc chương mới, nhưng cắt chương đúng chỗ sẽ như một đoạn nghỉ ngơi ngắn và tránh người ta mệt mỏi, hoặc có cảm giác’bội thực’ với chuyện. Tuy nhiên cắt chương quá nhỏ cũng không ổn. Một sự kiện được chia làm hai ba chương, mỗi chương là cách nhìn của một người. Chia chương như thế này khiến người đọc mất đi cảm giác muốn theo dõi chuyện vì chẳng có gì mới cả. Nếu các sự kiện của chương quá nhỏ nhặt cũng khiến người đọc sớm mất đi hứng thú.

Giai điệu liên quan tới những cảm nhận mà câu chuyện chuyển tải. Liệu fic nhẹ và vui vẻ như một tia nắng sớm hay mạnh và dữ dội như một cơn bão? Liệu fic có mạnh mà nóng bỏng như gió trên sa mạc hay nhẹ nhàng mà buốt giá như gió một ngày đông? Liệu những gì mà bạn muốn người đọc cảm nhận có chuyển đạt được đầy đủ và chính xác như bạn muốn không? Bi kịch mà bạn muốn thể hiện người đọc có cảm thấy như là một bi kịch không hay chỉ cảm thấy một mớ nhân vật thảm hại trong một tình huống thảm hại? Và truyện cười bạn cho là rất khôi hài dưới mắt người đọc có phải là nhạt nhẽo?

Những đoạn miêu tả thường là một cái bẫy rất tốt để fic trở nên lạc điệu. Một câu chuyện chỉ bao gồm những sự kiện, những hành động là một câu chuyện khô khan tới mức người ta phải để một cốc nước bên cạnh khi đọc. Một câu chuyện cần phải có hình ảnh, tình cảm, nhưng ở một múc độ cần thiết. Hình ảnh tốt sẽ lưu lại ấn tượng dài lâu trong người đọc, nhưng nhiều khi người viết quá lạm dụng hình ảnh. Dù bạn miêu tả như thế nào, dù cảnh đó có hay như thế nào, dù tình cảm có cảm động thế nào thì cũng không cần đến độ dài tính theo trang giấy dể miêu tả nó. Chỉ một vài đoạn nếu viết khéo cũng có thể khiến người đọc thích thú, và quá nhiều gây ra cảm giác mệt mỏi và chán ngấy khi đọc.

Hãy cẩn thận khi viết songfic để tạo giai điệu cho fic. Nếu bạn viết songfic thì đừng quên post kèm link download bài hát khi post fic. Khi viết một songfic, người viết thường tự cho rằng người đọc biết bài hát đó, có thể nhớ được nhạc của bài hát đó từ lời và có cùng chung cảm nhận với mình về bài hát đó. Tuy nhiên trong thực tế khi nghe một bài hát thì mỗi người thường có những cảm nhận rất khác nhau. Một bài hát cũng thường chỉ thịnh hành trong một khoảng thời gian nhất định, và có nhiều khả năng là độc giả sẽ chưa từng nghe bài hát trong songfic bao giờ.

Sửa chữa

Nhịp độ và giai điệu được nhắc cùng với nhau bởi thường một đã có vấn đề thì cái còn lại cũng có vấn đề nốt, và đôi khi rất khó để phân biệt chúng. Để phát hiện ra những vấn đề với hai điều này không phải là chuyện dễ nếu bạn vừa viết fic xong và đọc ngay lại tác phẩm của mình. Thường thì bạn chỉ có thể nhận ra khi bạn rời fic của mình một thời gian và sau đó đọc lại. Vì vậy bạn nên cần đến một beta reader kinh nghiệm để giúp bạn phát hiện những lỗi này. Một beta reader thiếu kinh nghiệm thường khó phát hiện ra những lỗi về nhịp độ và giai điệu.

Người ta hầu như không thể sửa chữa các lỗi về nhịp độ và giai điệu chỉ bằng cách sửa qua loa đây một tí, kia một tí. Chúng là những lỗi bắt rễ vào sâu trong tác phẩm và thường đòi hỏi bạn phải viết lại ít nhất là một lần để sửa chữa chúng. Nếu nhịp độ quá nhanh thì bản đầu tiên có thể coi là một bản rút ngắn. Nếu quá chậm thì cắt bỏ chữ và câu, hoặc thậm chí cả một số cảnh có thể là đủ. Nhưng thường lỗi này rất khó sửa và thường đòi hỏi bạn phải mất nhiều thời gian viết lại.

Nhịp độ và giai điệu lại được xây dựng chủ yếu dựa vào cảm tính. Ta hầu như không thể đưa ra được quy luật nào cho việc xây dựng chúng ngoài việc chúng phụ thuộc vào kỹ năng cũng như cảm nhận của bạn. Điều tốt đẹp là khi kỹ năng của bạn tăng dần theo thời gian thì các lỗi này cũng giảm bớt dần đi. Khi viết nhiều hoặc đọc nhiều, mỗi khi bạn viết một cảnh, cảm giác rằng cảnh đó ổn, hay có gì hơi bất ổn sẽ đến với bạn một cách tự nhiên hơn.

Một số lời khuyên:

+ Nếu một sự kiện đi quá xa, khiến độc giả mất tập trung vào những sự kiện chính, những nhân vật chính thì không nên cứ để nó như vậy. Hãy thay đổi nó, hoặc rút ngắn nó, hoặc để nó đựơc thể hiện dưới cặp mắt của nhân vật chính, và để nhân vật chính nghĩ xem nó sẽ ảnh hưởng như thế nào với mình.

+ Một nhân vật phụ cần ở đúng vị trí của mình. Việc bạn tạo cho nhân vật phụ tính cách, background là rất tốt, nhưng chúng chỉ nên được nói qua. Nếu bạn dành nhiều phần truyện để miêu tả về quá khứ, về tình cảm của nhân vật phụ thì nhiều khả năng là nhân vật phụ này đã lấn đất của nhân vật chính, và sẽ phần nào trở thành nhân vật chính trong khi nhân vật chính sẽ bị lu mờ.

+ Đọc lại những đoạn miêu tả của mình. Lời văn nào không đóng vai trò nhiều lắm hoặc không đủ hấp dẫn, lời văn nào trùng hợp một phần hoặc toàn bộ, hoặc mâu thuẫn với những gì bạn nói trước đó thì đừng ngần ngại mà bôi đen chúng và ấn delete.

Câu

Luật chung nhất, nếu viết hành động, hãy dùng câu ngắn. Câu dài không đem đến cảm giác vội vã, căng thẳng mà đem lại cảm giác rối tung cho vị độc giả tội nghiệp đang cố hiểu cái chuyện quái quỉ gì đang diễn ra.

Nếu đi sâu vào khía cạnh tâm lý hoặc ý nghĩ, câu dài thường được ưa chuộng hơn. Một phần lý do của điều này là câu dài đòi hỏi người đọc phải nghĩ nhiều hơn. Một phần khác là nó có thể kéo dài cảm xúc, tạo mạch chậm rất hiệu quả.

Câu vừa, có thể nói là mang cả hai sắc thái, vừa liên tiếp, vừa biểu cảm.

Lý tưởng nhất là sử dụng câu đa dạng. Chỉ câu đơn hoặc câu dài sẽ gây buồn chán và nhàm.

Dạng câu ngắt, đặc biệt là câu không chủ ngữ có thể dùng để nhấn mạnh hoặc tạo hiệu ứng đặc biệt.

'Trong đêm Giáng sinh, khi mà hạnh phúc toả ra trên những ngọn nến soi sáng khuôn mặt của những đứa trẻ khác, khi mà sự trong sạch hiện lên ở lời cầu nguyện và bức tượng Chúa trên cây thập tự, chỉ một mình Gilbert tìm đến quan hệ thể xác, tìm đến sự đau đớn để lấp đi nỗi tuyệt vọng khủng khiếp trong mình. Hoàn toàn cô độc. Chúa trời cũng đã bỏ rơi cậu bé ấy rồi.'

Dạng câu ngắn dùng để tạo cảm xúc rất tốt, nhưng không nên lạm dụng. Nếu phải viết:

'Aria ôm chầm lấy anh. Nồng thắm. Mãnh liệt.'

Thì câu sau sẽ mang lại hiệu ứng cũng không kém hơn gì.

'Aria ôm chầm lấy anh nồng thắm và mãnh liệt.'

Câu đặc biệt cũng không nên bị lạm dụng quá nhiều. Sử dụng một hai chỗ cho một trang truyện có thể gây nên thú vị và tạo cảm xúc. Nhưng cứ một hai dòng lại gặp một câu đặc biệt sẽ tạo cảm giác bực mình.

Không phải lúc nào chủ ngữ cũng là chủ thể con người. Sử dụng các bộ phận của con người làm chủ ngữ có thể gây ra hiệu ứng nhấn mạnh cảm xúc, đặc biệt trong những cảnh thân mật.

'Bàn tay mạnh mẽ ấy đưa lên vuốt nhẹ cánh tay cô. Những ngón tay dài dịu dàng lướt trên làn da mềm mại. Môi tìm môi. Mắt đối mắt bị cuốn hút vào cơn bão của sự đam mê.'

Tuy nhiên, loại câu này cũng không nên bị lạm dụng. Thỉnh thoảng thêm một câu hoặc một đoạn ngắn ở đâu đó có thể khiến người ta cảm thấy thú vị và tăng cảm xúc. Nhưng nếu cả một trang được miêu tả theo dạng này, sẽ khiến người đọc phải tự hỏi: 'Chuyện quái gì đang diễn ra vậy? Ai là ai, và tại sao lại lắm chân cẳng thế này?'

Khi bạn viết xong một đoạn văn hãy thử đọc lại nó. Các dạng câu, độ dài các câu trong đoạn văn đó có khác biệt không hay từa tựa như nhau? Thay đổi phong cách một vài câu văn cho khác biệt đi với số còn lại có thể sẽ khiến đoạn văn trở nên sống động. Sự đa dạng là yếu tố sống còn. Cho dù là bạn sử dụng loại câu nào, nếu trong một đoạn văn chỉ có một loại câu thì đoạn văn ấy rất dễ trở thành nhàm chán.

Một số điều cần chú ý khi sử dụng các dấu câu:

Dấu ba chấm ( … ) thể hiện sự đứt quãng trong lời nói. Chúng không nên quá bị lạm dụng. Dù dấu ba chấm dù được dùng trong lời nói của một người đang rất mệt mỏi hoặc một người rất yếu, hoặc một người đang thở hồng hộc, thì chúng cũng không nên xuất hiện quá nhiều, cứ một hai chữ lại ngắt kiểu: “Cậu… không… thể… cho tôi… điều ước… cuối… cùng… này sao?…” Dù mêt mỏi đến thế nào, dù yếu đến thế nào thì nếu người ta đã nói được, người ta sẽ không nói ngắt quãng tới mức đó. Tương tự cho thở hồng hộc. Hãy thử đọc to câu trên, bạn sẽ thấy nó vô lý như thế nào.

Điều này tôi không biết có giống trong tiếng Việt không hay chỉ là quy luật của tiếng Anh. Dù sao nếu bạn viết fic bằng tiếng Anh bạn cũng nên cẩn thận. 3 dấu chấm thể hiện chúng đang ở giữa câu. Khi kết thúc một câu kiểu này, người ta dùng 4 dấu chấm.

Đối với những câu ngắt quãng đột ngột, người ta không dùng dấu ba chấm, bởi dấu ba chấm thể hiện một cái gì đó chậm rãi trong lời nói. Trong trường hợp này, ‘—‘ sẽ đựơc dùng.

Dấu chấm có thể dùng ngắt một câu ngắn để thể hiện sự nhấn mạnh trong ý nghĩ hoặc lời nói: Kuroro. Phải. Chết. Tuy nhiên đừng dùng cách này trong những câu dài. Sử. Dụng. Cách. Này. Cho. Những. Câu. Dài. Tạo. Cảm. Giác. Rất. Buồn. Cười.


~*~


by An An
on Sat Feb 06, 2016 5:03 pm
 
Search in: Fanfiction và những điều cần biết
Chủ đề: Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]
Trả lời: 28
Xem: 1264

Về Đầu Trang

Chuyển đến