Hôm nay: Thu Mar 28, 2024 7:01 pm

Tìm thấy 1 mục

Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]

Hội thoại [2]

#12 in the Writing is an art, writing is a skill Series.

By Kal Kally

~*~

Hội thoại bị chen ngang

Miêu tả hành động, sự kiện và ý nghĩ của nhân vật xảy ra trong hội thoại là cần thiết. Hàm lượng của chúng nhiều hay ít là tuỳ thuộc vào phong cách của từng người. Có người viết dài, có người viết ngắn. Nhưng không bao giờ nên viết quá nhiều.

Hội thoại bị chen ngang là đoạn hội thoại bị tách ra giữa các lời thoại bằng một đoạn miêu tả, ý nghĩ hoặc đuôi thoại hành động dạng:

"Em không còn muốn ở bên anh nữa." Cô nhìn người yêu và đi ra khỏi phòng.

"Anh không bao giờ ngừng yêu em." Anh thở dài buồn bã và nhìn theo bóng cô.


Những từ miêu tả chen ngang này cũng rất dễ bị rơi vào lối mòn như "gật đầu, bước lên một bước, lùi lại, quay sang ngang..." Hãy thử sáng tạo với những sắc thái khác.

Một đoạn hội thoại cho những cảnh nghiêm trọng, đầy xúc cảm, căng thẳng cao độ mà lại không có chen ngang ở mức độ vừa phải thì rất có vấn đề. Thật kinh khủng khi đọc một đoạn hội thoại kiểu thế này:

'"Cô sẽ phải trả giá vì đã phản bội tôi."

"Em... em không hề phản bội anh."

"Cô đừng giả bộ ngây thơ nữa. Tôi đã biết tất cả rồi."

"Xin anh, anh hãy nghe em giải thích..."

"Tôi không thể tha thứ cho cô được nữa. Vĩnh biệt."'


Thì hầu như toàn bộ cảm xúc của đoạn hội thoại đã bị mất. Những đoạn chen ngang rất cần thiết. Trong một đoạn hội thoại người ta không đứng như những bức tượng để nói chuyện với nhau. Những vẻ mặt có thể thay đổi, những cử chỉ có thể được thực hiện, và còn biết bao nhiêu điều khác có thể diễn tả nội tâm ngoài lời nói. Sử dụng chúng một cách vừa phải sẽ đem đến cho câu chuyện vẻ hợp lý và hấp dẫn hơn.

Những miêu tả và ý nghĩ chen ngang này cần được dùng cẩn thận. Chúng cần thiết khi đóng vai trò quan trọng vào việc tạo ra ý nghĩa cho lời thoại, cần thiết cho tình tiết truyện như đưa nhân vật rời khỏi một cảnh nào đó, hoặc khi lời thoại quá nhiều cần làm sinh động hơn. Nhưng vẫn không nên dùng chúng quá nhiều. Ý nghĩ của nhân vật và miêu tả hành động của nhân vật chen ngang quá nhiều dễ dẫn tới khiến người đọc không theo được mạch hội thoại và mạch sự kiện của một đoạn truyện.

Đoạn hội thoại trên nếu bị viết chen ngang quá đà thì có thể như sau:

'Hắn đưa súng lên chĩa vào cô mà lòng đau như cắt. "Cô sẽ phải trả giá vì đã phản bội tôi." Hắn đã muốn dành cho cô tất cả, tất cả những gì hắn có, kể cả cuộc đời hắn. Hắn đã làm biết bao nhiêu điều cho cô mà không hề so đo tính toán. Nhưng cô chẳng quan tâm, cô chỉ nhận nó như một điều hiển nhiên.

"Em... em không hề phản bội anh." Cô lắp bắp và lùi lại. Sự sợ hãi làm cô tê liệt không thể cử động được nữa. Tại sao anh ấy lại buộc tội cô chứ? Cô đã làm gì sai? Cô đã yêu anh ấy hết lòng, cô đã trao cho anh cả thứ quý giá nhất của người con gái. Đôi mắt kia đã từng một thời chỉ nhìn cô với sự dịu dàng, giờ đây trong chúng chỉ còn sự oán hận và giận dữ. Đôi bàn tay kia mới ngày nào còn gợi nên những đam mê cuồng nhiệt, nay đã lạnh lùng chĩa sũng vào cô.

Hắn cố giữ giọng mình lạnh lùng. "Cô đừng giả bộ ngây thơ nữa. Tôi đã biết tất cả rồi." Hắn hận cô là thế mà hắn vẫn không thể buộc mình vô cảm để nhìn cô trong vũng máu. Đau, ngực hắn đau buốt, không hiểu là cái đau của cơ thể, hay cái đau của tâm hồn. Nhìn dòng nước mắt lăn trên má cô, hắn chỉ muốn ôm cô vào lòng an ủi, nhưng không, hắn không thể chạm tới một kẻ đã thuộc về người khác, một kẻ đã phản lại hắn một cách vô liêm sỉ chỉ vì mấy đồng tiền.

"Xin anh, anh hãy nghe em giải thích..." Cô cố van nài, không lùi thêm được nữa vì lưng đã chạm vào cạnh bàn. Cô không muốn chết, cô lại càng không muốn chết trong tay hắn khi mà cô đã biết cô yêu hắn, và hắn đã đáp trả lại tình cảm ấy. Vì tất cả những tháng ngày bên nhau, chẳng nhẽ hắn không thể cho cô một cơ hội để giải thích sao?

Mắt hắn nhoà đi. "Tôi không thể tha thứ cho cô được nữa." Hắn gầm lên. Tại sao, tại sao tất cả lại đến nông nỗi này? Hắn chỉ muốn hạnh phúc, hắn chỉ muốn được sống một cuộc đời bình thường cùng cô. Hắn chỉ muốn một căn nhà nhỏ và một công việc kiếm đủ tiền để đảm bảo cuộc sống cho gia đình. Và họ sẽ có con, sẽ hạnh phúc đến đầu bạc răng lòng. Nhưng... Đã quá muộn rồi. "Vĩnh biệt." Hắn bóp cò súng.'


Xỉu. Với một đoạn hội thoại như trên, phản ứng của người đọc sẽ là: "Trời, cuối cùng thì đã bắn rồi à? Bằng ấy thời gian thì người ta đã kịp uống trà, gọi cảnh sát, rồi lại uống trà, rồi tước súng của hắn, uống thêm một chút trà nữa, rồi tống cả hai vào nhà thương điên!"

Nếu cần thiết phải chen ý nghĩ, hãy sử dụng một đoạn hội thoại liền, rồi hãy chen một đoạn ý nghĩ. Hoặc thỉnh thoảng chỉ sử dụng một ý nghĩ nào đó. Nói - nghĩ - nói - nghĩ - nói - nghĩ rất dễ gây phản cảm.

Cũng có một cách nữa là để nhân vật tự bộc lộ ý nghĩ của mình qua lời nói như:

"Anh đang nghĩ gì đấy?" Mary hỏi.

Vứt quyển sổ xuống bàn, John vớ lấy cái áo khoác. "Tôi đang nghĩ một ngày đẹp trời thế này mà chôn chân trong văn phòng thì thật là chán. Cô có muốn đi dạo cùng tôi không?"


Đoạn chen ngang được viết thêm thuộc về lời thoại nào nên được viết dưới góc nhìn của nhân vật đang nói. Như vậy người đọc sẽ cảm thấy mạch văn trôi chảy hơn và không bị gượng.

‘Đừng hại tôi....’ Nguời phụ nữ rên rỉ và cố đẩy thằng côn đồ ra.

‘Đừng hại tôi...’ Thằng côn đồ siết chặt tay vào cổ người phụ nữ.


Trong hai câu trên thì ở cau thứ hai lời van xin nghe có vẻ xuất phát từ thằng côn đồ chứ không phải người phụ nữ, đọc lên nghe rất gượng.

Lược bỏ hội thoại:

Cũng giống như các tình tiết, mỗi đoạn hội thoại phải nhằm vào một mục đích nào đó. Hoặc là cần thiết cho cốt chuyện, hoặc cần thiết cho việc phát triển tính cách nhân vật. Nếu bạn viết một đoạn hội thọai rồi phát hiện ra rằng nó chẳng để làm gì, không có nó thì tính cách nhân vật cũng không mờ nhạt đi, hoặc truyện vẫn diễn biến tốt thì dù đoạn hội thoại đó có dài cả trang cũng đừng tiếc mà lược bỏ nó đi. Biết được chỗ nào cần lược bỏ cũng là một kỹ năng.

Thường thì hội thoại nhắm vào một số mục tiêu:

+ Phát triển tình tiết truyện.

+ Thuộc về một đoạn miêu tả hành động.

+ Miêu tả những tình tiết quan trọng.

+ Phát triển tính cách nhân vật.

+ Tạo cảm xúc cho độc giả.

Nếu một dòng hội thoại đạt được một trong những mục tiêu trên thì hãy để nó lại. Còn nếu nó chẳng nhằm để làm gì thì hãy bỏ nó đi.


Đuôi thoại

Nhắc đến lời thoại, một phần làm cho lời thoại sinh động chính là thứ đi kèm theo lời thoại. Nó có thể đứng ở trước lời thoại như trong tiếng Việt, hoặc ở sau lời thoại như trong tiếng Anh. Trong bài viết này, tạm gọi nó là đuôi thoại (Dialogue Tags).

Đuôi thoại có thể chia làm 3 dạng cơ bản: Không tồn tại, mềm và cứng.

Dạng tốt nhất là không tồn tại, cho phép hội thoại tự do và không bị cản trở bởi lời truyện. Trong hội thoại hai người, dạng đuôi này có thể được áp dụng trong cả trang truyện.

'"Chuyện gì sẽ xảy đến với cậu ấy?"

"Đừng lo, thằng nhóc sẽ ổn thôi, nó xoay xở giỏi lắm."

"Nhưng chỉ một mình cậu ấy mà chúng có tới..."

"Đã nói là đừng lo! Điều quan trọng là phải rời khỏi đây ngay."'


Đối với hội thoại nhiều người, dạng đuôi này không còn phù hợp nữa và thường gây khó hiểu cho người đọc. Lúc này, cần đến sự xuất hiện của đuôi cứng và đuôi mềm.

Điểm cần nhớ đầu tiên: Đừng cứng nhắc trong việc sử dụng các loại đuôi thoại.

Đuôi thoại mềm gồm những từ như: nói, hỏi, trả lời, kể, chỉ ra, nhận xét... Chúng được coi là "mềm" vì chúng không mang ý nghĩa về hình ảnh và thanh âm hay tình cảm. Chúng không thu hút được sự chú ý vào bản thân chúng. Chúng được coi là đuôi vô hình.

'"Chúng ta nhất định sẽ ra được khỏi đây, chỉ cần nghĩ ra được cách thôi." Yusuke nói.

"Nhưng bằng cách nào?" Kuwabara hỏi.

"Đồ ngốc. Không biết thì phải nghĩ cách." Hiei nói.

"Xem nào, tớ có cách này..." Kurama nói.'


Đuôi thoại cứng bao gồm những thứ khác. Đó là những từ miêu tả cách nhân vật nói như thét lên, gầm gừ, cười, lẩm bẩm, hoặc những từ như thổ lộ v.v... Chúng cần được dùng cẩn thận. Không cần thiết phải lúc nào cũng cần miêu tả cách nhân vật nói. Một người có thể hét cả đoạn hội thoại, nhưng miêu tả quá nhiều điều đó bằng cách sử dụng đuôi thoại cứng sẽ phản tác dụng.

Một dạng nữa của đuôi thoại cứng là dùng gián tiếp nó bằng cách thay thế bằng các từ miêu tả như: nói một cách, nói buồn bã, hét lên đầy sợ hãi v.v... Cũng như lời thoại cứng, dùng quá nhiều dạng này cũng sẽ dẫn tới phản cảm.

'"Đừng hòng lấy được một xu nào của tao." Lão hét vào mặt thằng con trai.

"Tôi không thèm tiền của bố, bố đừng mơ." Thằng con trai trả lời một cách hỗn láo.'


Một cách để tránh lạm dụng đuôi thoại là thử thay thế mọi đuôi thoại về một đuôi mềm như 'nói', rồi đọc lại một lần nữa xem có thể bỏ hoàn toàn đuôi thoại nào, cần thay thay thế cái nào sang đuôi cứng. Đôi lúc chỉ cần thay thế bằng một đuôi thoại mềm khác như 'hỏi' hoặc 'trả lời'. Kiểu đuôi thoại mềm có thể không thông dụng lắm trong tiếng Việt, thường được thay bằng đuôi thoại cứng hoặc đuôi thoại không tồn tại. Bạn có sử dụng nó hay không là tùy theo cách viết của bạn, như Kal, cách viết của Kal ảnh hưởng mạnh tiếng Anh, và các đuôi thoạn mềm có thể nói là trải dài cả trang truyện theo nghĩa đen.

Một điều quan trọng nữa, mỗi khi có một người bắt đầu nói thì hãy dành cho họ một đoạn văn mới. Đừng đưa cả một cảnh vào một đoạn văn. Đọc một câu chuyện mà lời nói của tất cả mọi người đều được thể hiện trong một khổ kiểu.

“...” A nói. “...” B ngắt lời và đi ra lấy một tách nước. “....” A phản đối. “....” C chen vào. And the list goes on.... (well, it’s not really a list, but...)

đúng là một sự hành hạ. Nhiều lúc không hiểu nổi ai nói gì và cái gì đang diễn ra nữa.

Bối cảnh của hội thoại.

Hội thoại luôn diễn ra trong một bối cảnh nào đó. Người viết cần luôn luôn nhớ đến điều này khi viết hội thoại.

Bối cảnh sẽ ảnh hưởng lên lời nói và sắc thái của nhân vật, hoặc giới hạn hội thoại của nhân vật. Đứng trong phòng đông người thì hoặc là người ta phải nói thét lên, hoặc lời nói chỉ là tiếng thì thầm, và bạn không thể cho nhân vật ‘nói to dõng dạc’ được. Ở những năm cuối thời Tần Thủy Hoàng thì bạn không thể cho một nhóm 4, 5 người dân bình thường đứng túm tụm nói chuyện với nhau được, trừ phi bạn muốn họ bị chết chém.

Ngược lại, những lời nói và thái độ của nhân vật sẽ ảnh hưởng lên thái độ của những người bên cạnh nhân vật. Quanh bàn ăn có 5 người ngồi. 2 người nói chuyện với nhau những vấn đề sâu sắc và quan trọng không cần giữ ý. Những người kia chỉ ở đó với một mục đích duy nhất là cho chúng ta biết ‘quanh bàn ăn có nhiều người’. Một đoạn hội thoại như vậy tạo cảm giác khó chịu và không thật.

Nghe thì có vẻ dễ dàng, nhưng khi viết người viết thường chú trọng tới hai nhân vật đang nói chuyện hơn là những người chung quanh, và cả những người viết tài giỏi cũng dễ mắc phải lỗi này. Trong Fanfom ‘Smallvile’ tôi rất thích một tác giả. Fic của tác giả này rất sáng tạo và có chiều sâu. Nhưng có một chương như thế này: Clark, Lex và bố mẹ của Clark ngồi trong phòng ăn. Bố mẹ của Clark chỉ vừa chấp nhận Lex. Và thế là Clark và Lex ngồi nói chuyện với nhau trên trời dưới biển về tình cảm và những kế hoạch cho tương lai. Cuộc nói chuyện dài đến ba trang. Và đến cuối, ông bố nói một câu kết luận. ‘Thôi, bây giờ đã quá muộn rồi’. Cứ mỗi lần đọc đến đó tôi lại khựng lại và tự hỏi ông bố bà mẹ đã biến đi đâu trong toàn bộ cuộc nói chuyên, hay là cũng giống như chúng ta các yaoi fan họ bị hấp dẫn bởi tình cảm của Clerk và Lex đến nỗi họ chỉ biết ngồi đó há hốc miệng mà ngắm hai người.

~*~

by An An
on Sat Feb 06, 2016 12:23 pm
 
Search in: Fanfiction và những điều cần biết
Chủ đề: Craft of Writing - Nghệ thuật viết [Completed]
Trả lời: 28
Xem: 1264

Về Đầu Trang

Chuyển đến